Làng Chuông hay Chùa Trầm chỉ là một vài điểm thăm quan nhỏ, 2 điểm chưa phải là điểm Du lịch hấp dẫn. Nhưng chính điều đó lại hấp dẫn những bạn thích khám phá tìm hiểu về văn hóa làng quê, làng nghề và những ngôi chùa cổ kính gần Hà Nội. Hai điểm du lịch này trước thuộc về Hà Tây cũ, nay thuộc về Hà Nội. Các bạn có thể thăm Làng Chuông và Chùa Trầm, chùa Trăm Gian trong một ngày, phương tiện di chuyển là xe máy. Dưới đây là một vài thông tin cùng hướng dẫn đi tới Làng Chuông và Chùa Trầm.
Làng Chuông nổi tiếng với nghề làm Nón lá, những phiên chợ Nón thường thu hút rất nhiều người buôn Nón từ khắp nơi ở miền bắc, họ tới đây để thu mua nón và mang những chiếc Nón Làng Chuông đi khắp nơi. Nón Chuông nổi tiếng từ lâu, giai đoạn thịnh vượng nhất là những năm đầu thế kỷ 20. Cả làng trở nên khấm khá thịnh vượng nhờ làm nón. Ngày nay Nón Làng Chuông không còn nổi tiếng bởi chẳng còn mấy ai thích đội nón lá nữa, nhiều kiểu dáng mũ nón hiện đại đã thịnh hành hơn nón lá.
Đường đi Làng Chuông Chùa Trầm
Làng Chuông là một ngôi làng nhỏ nằm bên dòng sông Đáy, cách trung tâm Hà Nội trên 30 km, thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Từ Hà Nội bạn đi theo hướng quốc lộ 6 đi Hòa Bình, tới ngã ba Ba La bạn rẽ trái để đi theo hướng đi Chùa Hương, qua thị trấn Kim Bài khoảng 2km thì sẽ tới ngã 3 rẽ phải vào Làng Chuông.
Đến Làng Chuông ngày nay bạn nên đến vào dịp phiên họp chợ Nón. Thời gian họp chợ diễn ra vào các buổi sáng ngày sáng mồng 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch. Chợ bán các loại Nón và nguyên liệu làm Nón. Chợ họp ngay cạnh Đình Làng, đây cũng là một phiên chợ còn lưu giữ nhiều nét cổ trong đời sống sinh hoạt làng xã Việt Nam.
Đến chợ bạn nên dạo quanh các gian hàng bán Nón, chụp ảnh và tận hưởng không khí phiên chợ quê. Sau đó bạn có thể dạo quanh làng, vào thăm quan một trong số những gia đình làm Nón. Tại đây bạn sẽ được giao lưu cùng chủ nhà, tìm hiểu cách làm Nón cũng như nghe những câu chuyện về cuộc sống và nghề làm Nón. Có thú vị là bạn sẽ được nghe kể về cuộc sống đời thực, về sự khó khăn trong cuộc sống của những người dân làng. Dù đôi lúc khó khăn nhưng mọi thứ đều có thể vượt qua.
Trong làng ngoài làm Nón lá còn có 1 gia đình làm Nón Quai Thao, đây cũng là một loại Nón cổ truyền được dùng phổ biến vào thời xưa. Ngày nay Nón Quai Thao chỉ dùng trong hát Quan Họ và trong các lễ hội.
Buổi trưa bạn có thể ghé chợ ăn trưa, có thể ăn vặt như các món Bún ốc hoặc bánh trái các loại. Chợ quê không có nhiều lựa chọn ăn uống, bạn có thể mang theo 1 ít đồ ăn khác.
Chùa Trầm
Thường thì thời gian thăm quan Làng Chuông dành chọn trong 1 buổi sáng, sau khi ăn trưa bạn có thể đi dọc suông Đáy về thị trấn Chúc Sơn rồi tới thăm chùa Trầm. Một ngôi chùa cổ được xây dựng vào đầu thế kỉ 16, do một vị tướng quân xuất gia lập nên. Chùa nằm dưới chân núi Tử Trầm Sơn, thuộc vùng đất So Sở, là một quần thể kiến trúc kết hợp hài hòa giữa kiến trúc chùa Bắc Bộ và núi, hang động tự nhiên. Tới đây ngoài thăm quan thắng cảnh Chùa bạn còn được vào sâu trong lòng Hang, nơi đặt các bức tượng phật làm bằng đá. Leo lên đỉnh núi Tử Trầm để phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh Hà Nội phía Tây Nam.
Ngoài Chùa Trầm nếu còn sớm bạn nên ghé thăm chùa Trăm Gian, một ngôi chùa cổ khác với kiến trúc độc đáo với hơn 100 gian, có lẽ do vậy mà chùa có tên là Trăm Gian.
Chùa được lập từ đời Lý Cao Tông năm 1185, được trùng tu tôn tạo qua nhiều triều đại, tạo thành một quần thể kiến trúc độc đáo với 104 gian (theo cách tính cứ 4 góc cột là 1 gian). Chùa có 3 khu kiến trúc chính trải dần theo độ cao của triền đồi, bao gồm: Cụm thứ nhất gồm 4 cột trụ và 2 quán và nhà Giá Ngự nhìn ra mặt hồ sen, Cụm thứ 2 gồm một toà gác chuông 2 tầng mái, treo một quả chuông đúc năm 1794, Cụm thứ 3 là chùa chính, gồm nhà bái đường, toà thiêu hương và thượng điện; hai bên là 2 dãy hành lang; trong cùng là nhà tổ. Đến với chùa bạn sẽ cảm nhận một không khí linh thiêng, êm đềm của những ngôi chùa vùng Bắc Bộ. Đường dẫn vào chùa đi qua nhiều làng, nơi bạn có thể tự mình khám phá những hoạt động thường ngày của người dân quê.