Nơi đây, đa phần là vùng đất sinh sống của đồng bào Cơtu với những nét văn hóa truyền thống độc đáo, dân dã. Vượt khỏi con Dốc Kiền chênh vênh qua “đỉnh trời”, du khách sẽ bắt đầu từ chuyến dừng chân dã ngoại tại đồi chè Trung Mang, thuộc Nông trường Quyết Thắng trên địa bàn xã Ba (huyện Đông Giang).
Nếu yêu văn hóa, hãy đến với Làng văn hóa – Du lịch Bhờ Hôồng (xã Sông Kôn) để trực tiếp giao lưu nghệ thuật truyền thống với đồng bào Cơtu, tham quan kiến trúc nhà Gươl, nhà Moong (nhà sinh hoạt cộng đồng) truyền thống của đồng bào Cơtu nơi đây.
Sau khi rời TP Hội An hoặc Đà Nẵng, các bạn có thể lên ô tô hoặc xe máy dọc theo tuyến tỉnh lộ ĐT604 ngược lên Dốc Kiền và đến với bản làng của đồng bào Cơtu ở huyện Đông Giang chỉ với hơn 2 giờ đồng hồ. Các bạn sẽ được hòa mình vào những điệu múa T’tung, Zază rất quyến rũ của những chàng trai, cô gái Cơtu; cùng dân làng dệt thổ cẩm, đan lát, học tiếng Cơtu, chữ viết Cơtu…, được tận mắt chiêm ngưỡng những tấm thảm dệt thổ cẩm rất cầu kỳ, lung linh màu sắc. Ngoài ra, các bạn cũng có thể ngược lên dòng suối nóng tại xã Sông Kôn để tắm vào các mùa lạnh trong năm.
Khi đến thăm các bản làng vùng cao Đông Giang, đừng quên “đắm mình” trong những ché rượu cần, rượu Tà-vạt, Tr’đin, loại rượu có một không hai ở vùng này, được đồng bào Cơtu chế biến từ một loại cây rừng (hay còn gọi là cây đoát) uống rất ngon và bổ dưỡng. Có thể điểm tên các đặc sản mà bạn cần nếm qua như cơm lam, thịt nướng ống, món zarắ (thịt ống thọc nhuyễn), bánh cuốt (bánh sừng trâu) cùng với rau rừng, cá suối…
Một số hình ảnh mà chúng tôi ghi lại được sau chuyến lên Đông Giang: